NGUYÊN NHÂN KHIẾN Ô TÔ BỊ TRƯỢT CÔN (TRƯỢT LY HỢP) VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
Thienthanhauto - Đối với những dòng xe sử dụng hộp số sàn, hiện tượng xe bị trượt côn (trượt ly hợp) diễn ra khá phổ biến sau khi chiếc xe đã vận hành được khoảng trên 100.000Km. Như ta đã biết, ly hợp là bộ phận trung gian, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc truyền mô men lực từ động cơ đến các bánh xe chủ động.
Bộ ly hợp ma sát trên ô tô
Về nguyên lý hoạt động, khi ta rời chân khỏi bàn đạp ly hợp (bàn đạp côn), lúc này các lò xo sẽ đẩy bàn ép hay còn gọi là mâm ép, đĩa ép ly hợp vào lá côn (đĩa ly hợp) và ép chặt lá côn vào với bánh đà. Dưới tác dụng này, bánh đà của động cơ sẽ bị khóa chặt vào với trục sơ cấp của hộp số và quay cùng tốc độ với trục sơ cấp.
Hoạt động của ly hợp (a. Đóng ly hợp; b. Mở ly hợp)
Tuy nhiên, độ lớn của mô men lực truyền từ động cơ đến bánh xe chủ động phụ thuộc vào ma sát giữa đĩa ly hợp (lá côn) với bánh đà và lực nén mà các lò xo tác dụng lên lá côn. Nếu lực ma sát giữa lá côn với bánh đà không đủ lớn để khóa cứng lá côn với bánh đà thì mô men lực truyền từ động cơ đến bánh xe chủ động sẽ không đạt được độ lớn tối đa. Đây gọi là hiện tượng trượt côn hay trượt ly hợp. Hiện tượng này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất hoạt động của xe, khiến xe bị ỳ khi tăng tốc đột ngột hoặc lên dốc, gây nên những mùi cháy khét khó chịu, đồng thời gây ra những hư hỏng nghiêm trọng cho các hệ thống khác. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng xe bị trượt côn và cách kiểm tra, khắc phục như thế nào? Hãy cùng Thienthanh Auto tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Những dấu hiệu xe bị trượt côn và phương pháp kiểm tra
Xe bị trượt côn (trượt ly hợp) có nghĩa là lá côn (đĩa ma sát) bị trượt so với mâm ép (bàn ép, đĩa ép) và bánh đà khi đóng ly hợp. Khi xe bị trượt côn cũng đồng nghĩa với việc lực từ động cơ không được truyền hoàn toàn tới hộp số, làm giảm hiệu suất hoạt động của xe.
Cấu tạo của bộ ly hợp ma sát
Trên thực tế, hiện tượng xe bị trượt côn (trượt ly hợp) thường biểu hiện bằng các dấu hiệu sau:
Có mùi cháy khét từ ly hợp
Khi tăng ga đột ngột thì tốc độ xe không tăng cùng với tốc độ động cơ
Xe bị ì, công suất động cơ giảm khi lái xe lên dốc
- Phương pháp xác định xem ly hợp có bị trượt hay không:
+ Sử dụng các khối chặn để chèn dưới bánh xe
+ Sau đó kéo hết phanh tay
+ Đạp bàn đạp ly hợp (bàn đạp chân côn) và khởi động động cơ
+ Đặt cần số ở vị trí số cao nhất
+ Tăng dần tốc độ động cơ và nhả thật chậm bàn đạp ly hợp.
Kết quả: Nếu động cơ không bị tắt, điều đó đồng nghĩa với ly hợp bị trượt (trượt côn). Ngược lại, nếu động cơ tắt tức là xe không bị trượt ly hợp.
Tuy nhiên khi kiểm tra bằng phương pháp này cần chú ý: Chỉ kiểm tra trong thời gian ngắn, vì nếu thời gian quá dài sẽ làm cho ly hợp bị quá nóng.
2. Những nguyên nhân khiến ly hợp bị trượt (xe bị trượt côn)
Việc xe của bạn bị trượt ly hợp có thể do những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Lá côn (đĩa ly hợp) bị dính dầu mỡ.
Lá côn hay đĩa ma sát của ly hợp được cấu tạo gồm một đĩa thép gợn song liên kết với moay ơ lỗ then hoa nhờ các lò xo giảm xoắn. Hai bên đĩa thép gồm có 2tấm bố ma sát được ghim chặt vào đĩa thép nhờ các đinh tán. Nhiệm vụ chính của lá côn hay đĩa ma sát ly hợp là ép sát vào bánh đà để truyền mô men lực từ động cơ tới bánh xe chủ động. Vì vậy, dù chỉ là một vết dầu hoặc mỡ nhỏ nhất bám trên bề mặt lá côn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ly hợp bị trượt.
Lá côn bị dính dầu mỡ là nguyên nhân khiến ly hợp bị trượt
Hiện tượng dính dầu mỡ trên bề mặt đĩa ly hợp (lá côn) có thể đến từ nguyên nhân do bạc đạn đỡ hay bạc đạn chà quá dư thừa dầu mỡ; sự bôi trơn quá nhiều trong hộp số làm cho trục sơ cấp của hộp số dính dầu dẫn đến dầu bám dính trên bề mặt đĩa ly hợp; việc các bu lông lắp chặt bánh đà bị lỏng hay sự hở của các tấm đệm kín phía sau động cơ cũng có thể khiến cho dầu mỡ rơi xuống và bám dính vào bề mặt của lá côn.
- Lá côn bị mòn quá giới hạn cho phép. Việc lá côn hay đĩa ly hợp bị mòn quá giới hạn cho phép cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trượt ly hợp, thậm chí nó còn có thể dẫn đến những hư hỏng nghiêm trọng đối với mâm ép và bánh đà. Giới hạn mòn cho phép của đĩa ly hợp là bề mặt đĩa ly hợp phải cao hơn đầu đinh tán ít nhất 0,5mm. Khi bề mặt lá côn bị mòn quá giới hạn này sẽ làm cho độ ma sát của lá côn bị giảm nghiêm trọng, khiến cho nó không thể ép chặt bánh đà và truyền tối đa mô men lực từ động cơ đến các bánh xe chủ động.
Ly hợp bị trượt do lá côn mòn quá giới hạn
- Lò xo ở mâm ép (bàn ép, đĩa ép) bị gãy hoặc bề mặt của mâm ép bị mòn, láng. Mâm ép hay còn gọi là bàn ép, đĩa ép ly hợp là bộ phận trung gian thực hiện nhiệm vụ ép sát và đẩy đĩa ly hợp ép chặt vào bánh đà khi ta đóng ly hợp và ngược lại, tiến hành kéo đĩa ly hợp (lá côn) ra khỏi bánh đà khi ngắt ly hợp. Việc mâm ép hay bàn ép bị mòn, láng cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe bị trượt côn.
Khi lò xo đĩa ép - mâm ép ly hợp bị hỏng cũng khiến ly hợp bị trượt
- Điều chỉnh sai khe hở giữa càng đẩy và bạc đạn chà.
- Các đầu đòn bẩy không đồng phẳng.
- Các đòn bẩy bị cong
Đòn bẩy ly hợp bị hỏng cũng là nguyên nhân khiến ly hợp bị trượt
3. Cách khắc phục, sửa chữa hiện tượng xe bị trượt ly hợp
- Đối với trường hợp xe bị trượt côn do đĩa ly hợp bị dính dầu mỡ: Cần tiến hành rửa sạch dầu mỡ dính trên bề mặt lá côn bằng xăng, dùng bàn chải sắt hoặc dũa đánh sạch về mặt ma sát của lá côn.
- Đối với trường hợp ly hợp bị trượt do lá côn bị mòn: Dùng thước kẹp để đo độ mòn của đĩa ly hợp. Đo độ mòn không đều của đĩa ma sát bằng cách đo chiều sâu của nhiều lỗ đinh tán, hiệu số kích thước cho phép không được lớn hơn 0,45mm. Độ đảo giới hạn tối đa của đĩa ma sát không được vượt quá 0,8mm. Vị trí lắp đinh tán để tán vào moay ơ then hoa chỉ được mòn, méo trong giới hạn từ 0,3-0,4mm.
- Trong trường hợp phát hiện lò xo giảm chấn của đĩa ma sát có dấu hiệu bị cháy, gãy hay rạn nứt, cần kiểm tra sự đàn hồi của lò xo bằng cách: cố định rãnh then hoa, sau đó cầm đĩa bị động quay cho đến khi lò xo giảm chấn đã bị ép hết mức. Nếu thấy đĩa ép quay ngược về vị trí ban đầu nghĩa là lò xo còn hoạt động tốt. Nếu thấy đĩa ép không quay ngược về vị trí ban đầu tức là lò xo đã bị mất độ đàn hồi. Giới hạn mất đàn hồi cho phép ở lò xo đĩa ly hợp là từ 10-20%. Nếu quá giới hạn này thì cần phải thay mới.
- Trong trường hợp xe bị trượt côn do hư hỏng ở đĩa ép (bàn ép, mâm ép) ly hợp. Cần kiểm tra một cách kỹ lưỡng và cẩn thận từng phần để xác định chính xác tình trạng của đĩa ép ly hợp và tìm ra những bộ phận bị hư hỏng. Dùng bột màu để kiểm tra sự tiếp xúc của mâm ép (đĩa ép, bàn ép) với lá côn. Giới hạn tiếp xúc tối thiểu giữa mâm ép với đĩa ly hợp phải đảm bảo lớn hơn 70% diện tích tiếp xúc.
- Đối với các đòn bẩy (đòn mở) ly hợp:
Cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để xác định sự hư hỏng. Độ mòn của các đầu đòn mở phải đều nhau, nếu không mòn đều thì cần phải sửa chữa lại.
Khi các đòn mở bị cong hoặc bị xoắn thì cần tiến hành nắn lại hoặc thay mới.
Đòn mở ly hợp không được có các vết nứt, lò xo lá không được nứt hoặc gãy.