KHÁI QUÁT VỀ BỘ LY HỢP Ô TÔ – VAI TRÒ VÀ PHÂN LOẠI LY HỢP Ô TÔ

(Thienthanhauto.com) – Ly hợp hay còn gọi là bộ côn ô tô là một trong những bộ phận có vai trò quan trọng trong cơ cấu truyền động của ô tô. Ly hơp hay bộ côn là thành phần trung gian, nằm giữa động cơ và hộp số. chức năng của ly hợp là thực hiện việc truyền động hoặc ngắt truyền động từ động cơ đến cầu chủ động thông qua một bàn đạp, đồng thời giúp cho quá trình chuyển số được thực hiện hiện dễ dàng.

vai-tro-cua-ly-hop-o-to

Vị trí, vai trò của ly hợp ô tô

Vậy cụ thể, ly hợp ô tô có những chức năng, nhiệm vụ gì và trên xe ô tô có những loại ly hợp nào, chúng ta sẽ cùng Thienthanhauto.com tìm hiểu qua bài viết dưới đây: 
1. Vai trò của bộ ly hợp ô tô
Với vị trí là bộ phận trung gian trong việc đóng hoặc ngắt quá trình truyền động từ động có đến cầu chủ động để tác động đến quá trình chuyển động của xe, ly hợp ô tô có một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa động cơ ô tô với hệ thống truyền lực trong quá trình xe ô tô di chuyển (cụ thể là truyền mô men xoắn từ động cơ đến các bánh xe để ô tô có thể di chuyển). Đảm bảo sự phù hợp giữa chế độ làm việc của động cơ với mô men sản sinh ra trong quá trình ô tô chuyển động.
- Ngắt đường truyền mô men trong thời gian dài khi động cơ ô tô vẫn hoạt động
- Đổi chiều chuyển động của ô tô.
- Bên cạnh đó, ly hợp còn có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn cho các bộ phận của hệ thống truyền lực trong những trường hợp bị quá tải như trường hợp phanh đột ngột mà không nhả ly hợp.
Để đảm bảo thực hiện tốt được vai trò, nhiệm vụ của mình, ly hợp phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
- Ly hợp phải đảm bảo được khả năng truyền lực tối ưu. Tức là nó phải có khả năng truyền tối đa mô men lực từ động cơ đến bánh xe chủ động mà không bị hao hụt, thất thoát trong bất cứ điều kiện nào.
- Ly hợp phải có khả năng đóng êm dịu để làm giảm lực va đập sinh ra ở các rang của hộp số trong quá trình khởi hành ô tô và khi sang số trong khi ô tô đang chuyển động.
- Ly hợp phải đảm bảo được khả năng đóng, mở dứt khoát và nhanh chóng; phải có khả năng tách rời giữa động cơ với hệ thống truyền lực một cách dứt khoát, trong khoảng thời gian ngắn.
- Phần bị động của ly hợp phải có mô men quán tính nhỏ giúp giảm tối đa lực va đập của phần bị động ly hợp lên các bánh rang khi xe khởi hành hoặc sang số.
- Ly hợp phải có khả năng điều khiển dễ dàng trong điều kiện lực tác động lên bàn đạp ly hợp ở mức độ nhỏ.
- Các bề mặt ma sát của ly hợp phải có khả năng thoát nhiệt tốt.
- Ly hợp phải có kết cấu đơn giản, dễ dàng điều chỉnh và bảo dưỡng.
2. Phân loại ly hợp ô tô
Hiện nay ly hợp ô tô được thiết kế theo nhiều loại khác nhau, tùy theo công nghệ và chức năng cụ thể của ly hợp trên từng loại xe khác nhau. Tuy nhiên, có thể phân loại ly hợp ô tô dựa vào một số tiêu chí cơ bản sau:
a. Phân loại ly hợp theo phương pháp truyền mô men lực từ trục khủy động cơ đến hệ thống truyền lực
Theo tiêu chí này, ly hợp ô tô được phân thành các loại sau:
- Ly hợp ma sát: Đây là loại ly hợp sử dụng cơ chế truyền động và ngắt truyền động từ động cơ đến cầu chủ động dựa vào các bề mặt ma sát.
- Ly hợp thủy lực: Là loại ly hợp sử dụng cơ chế truyền động dựa vào năng lượng của chất lỏng.
- Ly hợp điện từ: Loại ly hợp này sử dụng cơ chế truyền mô men lực từ động cơ ô tô đến bánh xe chủ động dựa vào nguyên lý hoạt động của từ trường nam châm điện.
- Ly hợp liên hợp: Là loại ly hợp kết hợp hai phương pháp trong các phương pháp truyền động nói trên để truyền mô men lực từ động cơ ô tô đến bánh xe chủ động.
Trong đó loại ly hợp ma sát là loại được sử dụng phổ biến trên các loại xe ô tô hiện nay. Ngoài ra loại ly hợp thủy lực cũng đang được phát triển vì nó có ưu điểm là giúp làm giảm tải trọng va đập lên hệ thống truyền lực của ô tô.
b. Phân loại ly hợp theo trạng thái làm việc
Căn cứ vào trạng thái làm việc của ly hợp, người ta chia ly hợp ô tô thành 2 loại cơ bản sau:
- Ly hợp thường đóng.
- Ly hợp thường mở.
c. Phân loại ly hợp theo phương thức phát sinh lực ép lên đĩa ép ly hợp
Căn cứ vào cách thức tác động lên đĩa ép của ly hợp, người ta chia ly hợp thành các loại sau:
- Ly hợp loại lò xo: Đây là loại ly hợp sử dụng lò xo để tác động lực lê đĩa ép ly hợp. Ly hợp loại lò xo có nhiều loại, như: loại ly hợp sử dụng lò xo đặt xung quanh; ly hợp sử dụng lò xo trung tâm; ly hợp sử dụng lò xo đĩa.
- Ly hợp loại nửa ly tâm: đây là loại ly hợp sử dụng lực ly tâm trong khối phụ kết hợp với lực ép của lò xo trong khối chính để tác động lên đĩa ly hợp.
- Ly hợp ly tâm: đây là loại ly hợp sử dụng lực ly tâm để tác động lên đĩa ly hợp, thông qua đó để thực hiện nhiệm vụ đóng và ngắt cơ chế truyền động.
d. Phân loại ly hợp theo phương pháp dẫn động của ly hợp
Căn cứ vào phương pháp dẫn động ly hợp, người ta chia ly hợp thành các loại sau:
- Ly hợp dẫn động cơ khí;
- Ly hợp dẫn động thuỷ lực;
- Ly hợp dẫn động có cường hoá:
+ Ly hợp dẫn động cơ khí cường hoá khí nén;
+ Ly hợp dẫn động thuỷ lực cường hoá khí nén.
e. Phân loại theo cách thức điều khiển
Căn cứ vào các thức điều khiển để đóng – mở ly hợp, người ta chia ly hợp thành 2 loại:
- Loại ly hợp điều khiển do lái xe (loại đạp chân; loại có trợ lực thủy lực hoặc khí)
- Loại ly hợp tự động
Trên đây Phụ tùng ô tô Thiên Thanh đã cùng bạn tìm hiểu về một số vấn đề cơ bản về bộ ly hợp ô tô như: Vai trò và phân loại ly hợp ô tô. Để hiểu rõ hơn về cấu tạo cũng như nguyên lý làm việc và những ưu điểm, hạn chế của từng loại ly hợp ô tô, mời bạn tìm hiểu thêm trong các bài viết tiếp theo.