NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY BÀN ÉP (ĐĨA ÉP, MÂM ÉP) LÁ CÔN BỊ HƯ HỎNG

(Thienthanhauto.com) Như ta đã biết, ly hợp là bộ phận có vai trò quan trọng trong hệ thống truyền lực của ô tô. Ly hợp được lắp giữa động cơ và hộp số, giữ vai trò là bộ phận trung gian truyền hoặc ngắt động lực từ động cơ đến hệ thống truyền lực, nó thường được lắp cùng với bánh đà của động cơ. Ly hợp ô tô có nhiều loại khác nhau, song phổ biến trên các dòng xe con hiện nay là loại ly hợp ma sát sử dụng lò xo đĩa. Cấu tạo của ly hợp ma sát sử dụng lò xo đĩa gồm những bộ phận cơ bản như: lá côn (đĩa ma sát); đĩa ép (bàn ép, mâm ép); chốt trượt; lò xo đĩa; vỏ ly hợp; càng cắt ly hợp; bi T - vòng bi cắt ly hợp.
 

ban-ep-dia-ep-mam-ep-ly-hop-1

Các thành phần của bộ ly hợp ma sát
 

1. Vai trò của đĩa ép hay bàn ép, mâm ép ly hợp
Trong thành phần của bộ ly hợp ma sát, đĩa ép hay bàn ép, mâm ép là một bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng và không thể thiếu. Nhiệm vụ của đĩa ép là ép sát lá côn (đĩa ma sát) vào bánh đà để gắn kết giữa động cơ với cầu chủ động hoặc ngắt kết nối giữa động cơ với bánh đà dưới sự tác động của lò xo đĩa thông qua quá trình ngắt hoặc đóng ly hợp. Có thể mô tả ngắn gọn vai trò cũng như quá trình hoạt động của đĩa ép hay bàn ép, mâm ép ly hợp như sau:
- Trong quá trình đóng ngắt ly hợp: Khi người lái đạp bàn đạp ly hơp (chân côn), vòng bi cắt ly hợp – bi T sẽ di chuyển sang trái, ép vào phần giữa lò xo đĩa và khiến cho lò xo bị biến dạng, phần phía ngoài lò xo cong lên và kéo đĩa ép (bàn ép, mâm ép) sang phải, đồng thời kéo đĩa ma sát ra khỏi bề mặt bánh đà.

ban-ep-dia-ep-mam-ep-ly-hop-3

Quá trình ngắt ly hợp

- Trong quá trình đóng ly hợp: Khi người lái thả bàn đạp ly hợp (chân côn), Bi T di chuyển, lò xo đĩa hồi vị, trở lại trạng thái ban đầu, tác động lên đĩa ép và đĩa ma sát khiến cho đĩa ma sát (lá côn) ép chặt vào bánh đà.

ban-ep-dia-ep-mam-ep-ly-hop-2

Quá trình đóng ly hợp

Như vậy có thể thấy, trong cơ cấu của bộ ly hợp, đĩa ép hay còn gọi là bàn ép, mâm ép thuộc bộ phận chủ động, phối hợp chặt chẽ và là thành phần trung gian trong việc truyền lực tác động đến lá côn (đĩa ma sát) để làm nhiệm vụ đóng hoặc ngắt ly hợp. Vì vậy, khi đĩa ép hay bàn ép, mâm ép ly hợp bị hư hỏng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của bộ ly hợp nói riêng và đến toàn bộ hệ thống truyền lực của xe nói chung.
2. Những dấu hiệu nhận biết đĩa ép hay bàn ép, mâm ép ly hợp bị hư hỏng
Để nhận biết đĩa ép hay bàn ép, mâm ép ly hợp có vấn đề hư hỏng hay không, ngoài việc đem đến gara để tiến hành kiểm tra, bạn có thể căn cứ vào một số dấu hiệu sau:
- Khi nhận thấy xe có hiện tượng côn "ra" không đều
Biểu hiện của hiện tượng côn ra không đều là tình trạng xe bị rung mạnh hoặc bị giật khi ta tiến hành nhả chân côn (bàn đạp ly hợp). Dấu hiệu này có thể là “điềm báo cho thấy đĩa ép hay bàn ép - mâm ép lá côn đang gặp vấn đề. Tất nhiên việc lá côn bị mòn, láng không đều hay bi T bị trượt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Tuy nhiên, khi đó bạn cần kiểm tra xem đĩa ép hay bàn ép, mâm ép có thể bị mòn hoặc bị láng không đều hay không để tiến hành khắc phục hoặc thay thế.
- Hiện tượng xe ì ạch hoặc bị trượt côn trong quá trình leo dốc
Để có thể leo dốc, chiếc xế yêu của bạn cần phải có một lực kéo đủ khỏe. Do đó việc đảm bảo tính tối ưu của quá trình truyền động từ động cơ đến bánh xe chủ động là yếu tố quyết định. Nếu mô men lực từ động cơ không được truyền một cách tối ưu nhất đến bánh xe chủ động thì sẽ khiến chiếc xe bị “đuối sức” và trở nên ì ạch trong quá trình leo dốc. Trong khi đó, như ta đã biết, đĩa ép hay bàn ép, mâm ép có nhiệm vụ quan trọng là ép chặt lá côn hay đĩa ma sát vào bánh đà để thực hiện quá trình truyền động. Vậy nên, khi đĩa ép hay bàn ép lá côn bị mòn, láng không đều thì nó sẽ không thể thực hiện lực ép đồng đều lên toàn bộ bề mặt lá côn, và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng trên.
- Đạp côn nặng hoặc hành trình bàn đạp côn dài hơn
Đây là dấu hiệu cho thấy bộ ly hợp của bạn đang gặp vấn đề. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bàn đạp côn bị nặng hoặc làm tăng chiều dài của hành trình côn, như: hư hỏng từ lò xo đĩa, Bi T gặp trục trặc, hiện tượng lá côn hay đĩa ép, bàn ép bị mòn… Vì vậy khi nhận thấy hiện tượng này, bạn cần tiến hành kiểm tra để xác định chính xác nguyên nhân đến từ đâu.
Phụ tùng ô tô Thiên Thanh chúc quý khách thượng lộ bình an.