SỬ DỤNG HỘP SỐ TỰ ĐỘNG TRÊN Ô TÔ ĐÚNG CÁCH ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN, HIỆU QUẢ VÀ TIẾT KIỆM
Thienthanhauto.com - Ngày nay loại hộp số tự động ngày càng trở nên phổ biến trên các dòng xe ô tô vì tính tiện dụng của nó. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về độ an toàn và tính tiết kiệm nhiên liệu của hộp số tự động so với hộp số sàn, tuy nhiên, một xu hướng tất yếu là với nhiều tính năng giản tiện hơn, hộp số tự động đang dần lấn lướt so với loại hộp số sàn truyền thống. Tuy nhiên, mặc dù việc thao tác đối với xe sử dụng hộp số tự động đơn giản hơn nhiều so với các loại xe sử dụng hộp số sàn, song nếu không nắm vững được nguyên lý hoạt động cũng như cách thức sử dụng đối với hộp số tự động, đôi khi nó sẽ gây ra những rắc rối không cần thiết, thậm chí, trong một số trường hợp nó có thể gây ra những nguy hiểm cho chính bản thân bạn và chiếc xế yêu của bạn.
Cơ cấu hộp số tự động trên ô tô
Vì vậy, trong bài viết này, Phụ tùng ô tô Thiên Thanh sẽ phân tích một số tính năng, ưu nhược điểm của hộp số tự động, cũng như cách thức sử dụng hộp số tự động như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.
1. Sơ lược về lịch sử ra đời, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hộp số tự động
- Hộp số tự động ra đời từ khi nào?
Theo các nghiên cứu về lịch sử của ngành chế tạo ô tô thì vào khoảng những năm 40 của thế kỷ 20, hộp số tự động đã được phát minh và đưa vào sử dụng, ban đầu là ở Mỹ, sau đó ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, hộp số tự động được thiết kế với vai trò của những khớp nối thủy lực thuần túy. Phải đến năm 1948, biến mô thủy lực mới được đưa vào sử dụng cho hộp số tự động. Trên các dòng xe ô tô hiện nay, hộp số tự động được phân thành 2 loại cơ bản, gồm:
Hộp số tự động có cấp AMT và AT
Hộp số tự động vô cấp CVT (sử dụng cơ chế truyền động bằng đây đai kim loại).
Trong đó, xét về tính phổ biến thì loại hộp số tự động có cấp AT hiện nay đang được sử dụng rộng rãi hơn so với hộp số tự động vô cấp CVT.
- Về cấu tạo, hộp số tự động sử dụng trên các dòng xe ô tô hiện nay gồm có các thành phần chính sau: biến mô thủy lực, bộ truyền bánh răng hành tinh, hệ thống cung cấp áp suất thủy lực và hệ thống điều khiển việc gài số (Cấu tạo, chức năng của từng bộ phận này như thế nào sẽ được Thienthanhauto.com phân tích chi tiết ở bài viết khác).
- Về nguyên lý làm việc của hộp số tự động: Đối với xe ô tô sử dụng hộp số tự động, khi ta gài số, mô men dẫn động từ động cơ sẽ được truyền tới trục của hộp số tự động thông qua biến tốc thủy lực (còn gọi là biến mô thủy lực). Lúc này, cảm biến tốc độ được gắn ở trên trục ra của hộp số sẽ truyền dữ liệu về tốc độ hiện tại của xe đến CPU. Khi CPU nhận được tín hiệu về tốc độ của xe, nó sẽ điều khiển các van thủy lực để tiến hành đóng - mở các đĩa ma sát để liên kết các trục bánh răng của hộp số và điều chỉnh đến một số phù hợp với tốc độ và tải trọng của xe.
Hộp số tự động trên ô tô
2. Ưu điểm, nhược điểm của hộp số tự động so với hộp số sàn
Khi đặt trong mối tương quan với hộp số sàn, chúng ta sẽ thấy hộp số tự động có nhiều ưu điểm nổi bật như:
- Có thể chuyển đổi giữa các số một cách dễ dàng và quá trình đổi số có thể được thực hiện hoàn toàn tự động hoặc bán tự động theo ý muốn của tài xế.
- Việc truyền mô men lực từ hộp số đến các bánh xe chủ động được thực hiện liên tục, động lực của xe không bị ngắt quãng.
- Có thể thích nghi dễ dàng với các loại đường xá khác nhau.
- Việc thao tác đối với hộp số tự động được thực hiện dễ dàng, sang số, gài số êm, không bị giật, bảo vệ khi quá tải.
- Bên cạnh đó, hộp số tự động còn giúp làm giảm cường độ lao động của tài xế, nâng cao tính cơ động và tính an toàn khi xe chạy.
- Ngoài ra, khi sử dụng đúng cách, tuổi thọ của các chi tiết hộp số tự động cũng được đánh giá là cao hơn so với hộp số sàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì hộp số tự động cũng có những hạn chế nhất định như: kết cấu phức tạp; khó sửa chữa, bảo dưỡng; giá thành cao hơn so với hộp số sàn.
Cấu tạo hộp số tự động AT hai cấp
1. Biến tốc thủy lực; 2- Trục I; 3- Bơm dầu; 4- Li hợp nối thẳng; 5-Cơ cấu bánh răng hành tinh; 6- Trục II; 7- Cảm biến tốc độ; 8- Bộ phanh số lùi; 9- Cụm van điều khiển; 10-bầu lọc dầu.
3. Cách sử dụng hộp số tự động an toàn, hiệu quả, tiết kiệm
Hộp số tự động trên xe ô tô thường có các ký hiệu cơ bản như: P (Parking) – ký hiệu thể hiện xe đang ở chế độ đỗ; R (Reverse) – biểu thị xe đang ở chế độ lùi; N (Neutral) – biểu thị xe ở tình trạng thái tự do (ngắt truyền động), D (Drive)- biểu thị xe ở trạng thái di chuyển bình thường; D3 (Drive 3) – đây là chế độ xe di chuyển ở tốc độ chậm, di chuyển trên đường gồ ghề, khó đi; D2, D1 (drive 2,1) – là chế độ để di chuyển trên đường khó đi hơn (đổ đèo, leo dốc…)
Các ký hiệu trên hộp số tự động ô tô
Tùy theo từng loại xe khác nhau và các ký hiệu có thể có sự thay đổi ít nhiều (có thể có nhiều hoặc ít chế độ hơn). Tuy nhiên hộp số tự động trên hầu hết trên các dòng xe hiện nay đều có các chế độ cơ bản là P, R, N và D.
Các ký hiệu cơ bản trên hộp số tự động
Mặc dù việc thao tác đối với hộp số tự động là khá đơn giản, song để đảm bảo an toàn và sử dụng có hiệu quả, lái xe cần nắm vững được tính năng, tác dụng của từng chế độ trên hộp số tự động để sử dụng trong từng trường hợp và từng giai đoạn cụ thể của quá trình vận hành xe. Cụ thể:
- Vị trí P – vị trí đỗ xe. Cần số ở vị trí này biểu hiện xe của bạn đang ở chế độ dừng đỗ. Khi cần số ở vị trí này thì bánh xe dẫn động bị khóa, do đó khi cài đặt về vị trí P thì lúc này động cơ ô tô vẫn hoạt động nhưng xe không thể di chuyển. Vị trí này giúp bạn đỗ xe một cách an toàn. Vì vậy, khi muốn đỗ xe bạn cần cài đặt hộp số ở vị trí P. Khi sử dụng chế độ P cần đặc biệt lưu ý:
+ Chỉ đưa xe về chế độ P khi xe đã dừng hẳn. Vì nếu bạn chuyển về chế độ P khi xe chưa dừng hẳn thì chuyển động quay của các bánh răng số có thể sinh ra tác động ngược do bị hãm đột ngột dẫn đến hậu quả có thể làm hư hại các bánh răng số.
+ Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, trước khi chuyển từ chế độ P sang các chế độ khác, bạn cần đạp phanh để phòng ngừa trường hợp xe tự lăn bánh khi gạt nhầm cần chuyển số.
- Vị trí R – Xe ở chế độ lùi. Khi cần số ở vị trí này thì đèn lùi sẽ sáng, nếu tài xế nhả phanh thì xe sẽ chạy lùi. Vì vậy khi sử dụng chế độ R cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:
+ Chỉ khi nào xe ô tô đã dừng hẳn, động cơ chạy ở chế độ không tải thì mới được gạt cần chuyển số về vị trí R. Vì nếu xe chưa dừng hẳn, các bánh răng số vẫn tiếp tục quay, nếu bị đảo chiều chuyển động đột ngột sẽ dẫn đến những hư hại nghiêm trọng cho các bánh răng số.
- Vị trí N – Vị trí 0. Đây là vị trí biểu thị xe đang ở chế độ ngắt truyền động từ động cơ đến các bánh xe chủ động. Khi gạt cần chuyển số về vị trí này thì công suất động cơ không được truyền đến các bánh dẫn động. Vị trí này thường được sử dụng khi dừng xe trong thời gian ngắn. Khi cần chuyển số ở vị trí này, nếu nhả chân phanh hoặc phanh tay thì xe có thể di chuyển tự do (nếu dừng đỗ trên dốc hoặc bị tác động do bị đẩy hoặc kéo). Vì vậy, khi sử dụng chế độ N, cần chú ý:
+ Chỉ nên sử dụng trong những trường hợp dừng xe trong thời gian ngắn.
+ Nếu dừng xe nơi đường dốc và đặt cần chuyển số ở chế độ N, thì hãy luôn nhớ phải đạp hết phanh chân hoặc sử dụng phanh tay để tránh xe bị tụt dốc.
+ Mặc dù chế độ N có thể giúp ngắt truyền động, song nếu bạn cần dừng xe trong thời gian dài hoặc khi đỗ xe thì không nên sử dụng chế độ N mà hãy đưa cần chuyển số về chế độ P sẽ đảm bảo an toàn hơn rất nhiều.
+ Khi xe đang di chuyển, tuyệt đối không điều chỉnh cần số về chế độ N vì về nguyên lý, trong quá trình xe vận hành, hộp số tự động sẽ thường xuyên bơm dầu nhớt để bôi trơn các chi tiết trong hộp số. Do đó, khi ta về số N, lúc đó hộp số sẽ tự động ngưng việc bơm dầu bôi trơn hộp số, song do xe vẫn đang chuyển động nên các thành phần khác của hộp số vẫn hoạt động liên tục ở cường độ cao. Và điều đó sẽ gây ra tình trạng các chi tiết bị nóng, dẫn đến nguy cơ các lá côn (ly hợp) có thể bị cháy dẫn đến làm hư hỏng hộp số. Đồng thời, việc về số N khi xe đang chạy cũng sẽ làm vô hiệu hóa các hệ thống an toàn điện tử, ví dụ như hệ thống cân bằng điện tử ESP, do các cảm biến sẽ cung cấp cho ECU điều khiển thông số không chính xác, vì vậy sẽ phần nào làm giảm mức độ an toàn khi xe vào cua và có thể dẫn đến mất lái.
- Vị trí D – chế độ lái, số tiến. Đây là vị trí thường xuyên được sử dụng nhất khi xe vận hành. Căn cứ trên tải, tốc độ xe, tốc độ quay của động cơ, bộ phận điều khiển điện tử ECT sẽ tự động điều chỉnh lên xuống các số tiến. Trên các xe ô tô hiện đại, hộp số tự động đều được trang bị số vượt tốc (OD) có tỷ số truyền nhỏ hơn 1. Khi cần chuyển số ở vị trí D, nếu phanh chân được nhả từ từ, xe sẽ chuyển động chậm về phía trước. Để tăng tốc độ, nếu nhấn chân ga, xe sẽ chuyển động tiến. Khi xe ở chế độ này, tất cả các số tiến sẽ được tự động lựa chọn. Khi xe vận hành ở chế độ D, cần lưu ý: Đối với các đoạn đường đông, nên giữ tốc độ xe ổn định, thay đổi tốc độ từ từ, tránh tăng ga và giảm ga đột ngột sẽ giúp xe vận hành êm ái với mức tiêu hao nhiên liệu ít nhất.
- Ngoài các chế độ cơ bản trên, trên xe ô tô còn có các chế độ như: D3, D2, D1 (hoặc ký hiệu D-; L... tùy theo các dòng xe và các hãng khác nhau). Đây là các chế độ được sử dụng để đảm bảo cho xe vận hành tối ưu trong các điều kiện đường xấu. Việc điều chỉnh cần chuyển số về các chế độ này giúp tăng lực kéo và hiệu quả phanh khi xe di chuyển trên các đoạn đường xấu hoặc phải leo dốc, đổ đèo… Vì vậy, khi sử dụng xe, bạn cần tìm hiểu các chế độ vận hành cũng như các ký hiệu để nắm được tính năng, tác dụng của chúng.
Ngoài những lưu ý trên khi sử dụng đối với các chế độ của hộp số tự động, khi lái xe ô tô hộp số tự động còn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Trước khi khởi động xe cần chắc chắn cần chuyển số đang ở vị trí P, đạp hết bàn đạp phanh và kéo phanh tay trước khi bật khóa khởi động.
- Luôn nhớ: đạp phanh trước khi thay đổi vị trí cần số từ chế độ P hoặc N sang vị trí khác và tuyệt đối không đạp ga khi đang sang số để tránh hiện tượng tăng tốc đột ngột.
- Không đạp chân ga và chân phanh đồng thời vì như vậy vừa dẫn đến tình trạnh mòn má phanh, vừa làm giảm hiệu quả của phanh.
- Tuyệt đối không điều chỉnh vị trí cần số về chế độ N khi xe đang chuyển động.
- Đạp phanh khi thay đổi vị trí cần chuyển số về chế độ N hoặc thay đổi từ vị trí N sang chế độ khác để phòng tránh tình trạng mất lái.
- Hạn chế ấn nút khóa trên bàn điều khiển cần số vì có thể nhầm qua vị trí R.
- Luôn luôn đạp phanh bằng chân phải và phải đạp hết phanh trước khi thay đổi vị trí của cần chuyển số.
- Trường hợp đèn báo cần số nhấp nháy thì mang xe đến xưởng bảo dưỡng để kiểm tra, có thể hộp số tự động bị lỗi.
Phụ tùng ô tô Thiên Thanh kính chúc quý khách thượng lộ bình an. Khi cần tư vấn về kỹ thuật ô tô hoặc cần cung cấp các loại phụ tùng ô tô ô tô chính hãng với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý nhất, quý khách vui lòng liên hệ theo số Hotline: 0984.049.298 hoặc truy câp Website: Thienthanhauto.com