NHỮNG NGUYÊN TẮC KHI LÁI XE Ô TÔ QUA VÙNG NGẬP NƯỚC

Ở cái quốc gia nắng lắm mưa nhiều với bà mẹ thiên nhiên đỏng đảnh và khó tính như ở Việt Nam thì việc phải lái xe qua vùng ngập nước vốn dĩ là chuyện diễn ra “như cơm bữa”, đặc biệt là ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, khi mà anh xây nhà, anh làm đường và chị làm thoát nước vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Cho nên việc phải quen dần với cái tình trạng phải chuyển từ giao thông đường bộ sang giao thông đường thủy vốn là cái sự “cực chẳng đã”. Trong khi đó, chiếc ô tô của các cụ vốn dĩ nó được thiết kế để đi đường bộ chứ không phải là để bơi đường thủy. Việc xe ô tô bị ngập nước không những có thể gây ra những hư hỏng nghiêm trọng cho chiếc xe mà còn có thể dẫn đến những nguy hiểm khôn lường (Xem thêm bài: Những hư hỏng thường xảy ra khi xe ô tô bị ngập nước). Vậy làm thế nào để cùng “vợ hai” vượt qua những cung đường ngập nước an toàn? Mời các cụ cùng tham khảo bài viết sau:

Để lái xe qua vùng ngập nước an toàn, cần tiến hành theo 5 bước sau:

Bước 1: Đánh giá đúng tình hình đoạn đường bị ngập

Trước khi cho em nó dầm mình trong nước, các cụ hãy nhớ mỗi chiếc xe đều có gầm cao nhất định, đừng để em nó bị ướt máy. Nước có thể làm hư hỏng nghiêm trọng động cơ, hệ thống điện và rất nhiều những bộ phận khác. Vì vậy, trước khi cho chiếc xe tiếp cận con đường bị ngập, hãy giảm tốc độ hoặc dừng hẳn để đánh giá độ sâu của mực nước. Kinh nghiệm trong tình huống này là các cụ hãy quan sát các xe đi trước, thân cây hoặc vỉa hè… để xác định mực nước và tính toán xem có nên cho “em nó” dấn thân lên phía trước không. Thông thường  đối với dòng xe sedan (xe con gầm thấp 4 - 5 chỗ ngồi) độ sâu an toàn trung bình là 25cm (không vượt quá tâm của bánh xe). Với các xe SUV gầm cao thì độ sâu trung bình là 35cm. Theo kinh nghiệm, khi bất đắc dĩ phải vượt qua những đoạn đường ngập, các cụ có thể cộng thêm 20 cm và xe  vẫn có thể qua được an toàn.

Còn nếu ngập trên mức đó, tốt nhất là các cụ nên quay đầu xe hoặc kiếm tạm quán nước nào ngồi nhâm nhi ly cà phê và ngắm các em gầm cao máy thoáng hơn “vợ mềnh” nó bơi trước, chờ nước rút mới tiếp tục đi tiếp. Còn nếu sau khi quan sát và tính toán, thấy ô kê thì các cụ tiếp tục nhấn ga.

Bước hai: Tắt điều hòa, hạ kính xe

Hãy nhớ rằng khi phải di chuyển qua vùng ngập nước, chiếc xe của các cụ có thể bị “ướt máy” bất kỳ lúc nào. Khi đi qua vùng ngập nước, gió mát từ điều hòa là một thứ gì đó xa xỉ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nếu cánh quạt hút gió hoạt động khi ngập nước sẽ dễ dẫn nước vào sâu hơn trong khoang động cơ. Và dù cho động cơ không bị chết, thì quạt điện tử cũng có thể cuốn rác rưởi đang trôi trong nước làm gãy cánh quạt khiến động cơ bị tăng nhiệt.

tat-dieu-hoa-o-to

Hơn nữa, khi điều hòa chạy, xe sẽ mất thêm công suất. Vì vậy, nếu không muốn em nó bị yếu khi phải lội nước, hãy tắt điều hòa. Và khi điều hòa đã tắt, việc hạ một chút kính xe để tận hưởng làn gió mát mẻ của tự nhiên cũng là một điều cần thiết khi mà khoảng không gian trong xe vốn dĩ đã quá chật hẹp để các cụ có thể hít thở một cách thoải mái.

Bước 3: Bật đèn cảnh báo nguy hiểm và đèn chiếu sáng để tăng khả năng đánh giá độ sâu của mực nước.

bat-den-o-to

Hãy nhớ lại bài học vỡ lòng các thầy dạy lái vẫn hay truyền khẩu khi chúng ta bắt đầu cầm vô lăng “Mưa tránh trắng, nắng tránh đen”. Những chỗ mà các cụ nhìn thấy nó trắng xóa khi ánh đèn chiếu vào rất có thể là ổ gà, ổ trâu hoặc là ổ của một con gì đó to hơn như là con voi chẳng hạn. Sẽ thật là tai hại nếu bánh xe của các cụ thụt xuống đó. Vì thế hãy quan sát kỹ trước khi cho xe lăn bánh ở một vị trí nào đó trên đường. Và sẽ thật tuyệt vời trong tình huống này nếu như phía trước các cụ có một em nào đó gầm cũng cao tầm như em của mình, khi đó các cụ hãy quan sát kỹ xe đi trước để tránh sa vào rắc rối. Đồng thời, nếu điều kiện giao thông cho phép, các cụ nên lái xe đi ở giữa tâm đường, bởi đây luôn là vị trí cao nhất của mặt đường. Điều này sẽ giúp giảm mực nước và giảm nguy cơ cho chiếc xế yêu.

Bước 4: giữ đều chân ga

Trước khi quyết định lao lên phía trước, các cụ cần tính toán kỹ đến khả năng có thể di chuyển một cách liên tục qua đoạn đường ngập nước hay không. Bởi vì nếu phải dừng lại giữa vùng ngập nước thì quả thật là một tai hại. Hiện tượng thủy kích sẽ khiến “vợ hai” của các cụ gặp phải những tổn thương nghiêm trọng ở động cơ, hệ thống điện, khung gầm và rất nhiều vị trí khác mà dù có đi viện, thay mới thì cũng khó lòng hồi phục. (Xem thêm bài: Những hư hỏng thường xảy ra khi xe ô tô bị ngập nước). Vì vậy, hãy nhớ: tuyệt đối không dừng lại giữa vùng ngập nước.

Và khi đã quyết định lao vào khu vực ngập sâu, nên chọn số thấp và giữ đều ga. Nếu là số sàn nên đi số 1 - 2. Còn với xe số tự động hoặc bán tự động thì nên chuyển về số D1 hoặc chuyển về chế độ số tay rồi đi ở số 1 - 2. Giữ đều chân ga ở tốc độ 10 - 15km/h. Hãy nhớ tuyệt đối không tăng tốc hay giảm tốc đột ngột để tránh nước tràn vào khoang động cơ từ phía trước và cả ống xả phía sau.

ban-dap-ga-o-to

Không rồ ga phóng qua đường ngập bởi nguy cơ nước có thể bị áp lực đẩy tràn lên nắp capo và tràn vào cổ hút gió của động cơ gây hiện tượng thủy kích là rất cao. Để đảm bảo an toàn, các cụ hãy chú ý giữ khoảng cách với các phương tiện khác và tránh xa những xe có trọng tải lớn bởi những phương tiện khác khi di chuyển sẽ tạo ra những cơn sóng nước lớn tràn qua nắp capo xe và có thể làm nước tràn vào họng hút gió và vào thẳng động cơ gây hiện tượng "thủy kích".

Một kinh nghiệm nhỏ của các cụ già dơ là trước khi đi qua những đoạn đường ngập nước, nên tháo đường ống hút gió ở phía đầu xe ra để lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ vào vì đây là vị trí cao nhất mà không thông qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp hơn dễ bị nước tràn vào. Khi thoát khỏi đoạn ngập lụt, tiếp tục lắp lại lọc gió động cơ.

Bước 5: Từ từ tăng ga khi xe đã thoát khỏi đoạn ngập sâu

Sau khi đã thoát khỏi đoạn ngập sâu, hãy tăng ga một cách từ từ. Cố gắng tránh những xe đi ngược chiều vì chúng có thể khiến nước tạo thành những làn sóng hắt lên nắp capo gây nguy cơ nước tràn vào họng hút và khoang động cơ. Hãy nhớ giữ đều chân ga, đừng ngớt ga để tránh trường hợp nước có thế tràn ngược lại hệ thống động cơ gây ra hiện tượng thủy kích. Hãy nhớ rằng kể cả khi xe không bị chết máy và đã lội nước thành công, nước chắc chắn vẫn nằm đâu đó trong xe, nên hãy tiếp tục di chuyển khoảng 5 - 10 phút nữa, vừa đi vừa rà phanh để nước trong phanh ra khỏi đĩa phanh, tránh hiện tượng bó phanh sau khi để qua đêm.

Sau khi đã kiếm được nơi khô ráo để nghỉ ngơi, hãy dọn sạch rác, lá cây ở két nước vì khi đi vào vùng ngập, két nước có thể đọng lại rất nhiều rác trong nước. Cuối cùng kiểm tra lại toàn bộ xe để chắc chắn rằng em nó vẫn còn an toàn sau khi đã vật lộn cùng các cụ trong điều kiện không hề dễ chịu chút nào.

Thienthanhauto.com chúc các cụ lái xe an toàn.

Đọc thêm: Những việc cần làm ngay sau khi lái xe qua vùng ngập sâu