VÌ SAO LÁ CÔN (ĐĨA LY HỢP) Ô TÔ NHANH BỊ MÒN? CÁCH KHẮC PHỤC?
Thienthanhauto.com - Trong kết cấu của bộ ly hợp ma sát, lá côn hay còn gọi là đĩa ly hợp, đĩa ma sát là bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiệm vụ của lá côn hay đĩa ly hợp là ép chặt vào bánh đà dưới sự tác động của lò xo và đĩa ép (mâm ép, bàn ép) để đảm bảo cho mô men lực từ động cơ được truyền tối đa đến bánh xe chủ động trong quá trình đóng ly hợp (vào số) và ngắt truyền động từ động cơ tới bánh đà khi ngắt ly hợp (đạp côn).
Lá côn là bộ phận quan trọng của bộ ly hợp
Lá côn hay đĩa ly hợp được cấu tạo gồm một đĩa thép gợn sóng, đĩa thép này được liên kết với moay ơ lỗ then hoa nhờ các lò xo giảm chấn. Các tấm bố ma sát được ghép ở phần rìa 2 mặt của đĩa thép nhờ các đinh tán. Các tấm bố trên đĩa ly hợp được thiết kế gợn sóng có tính đàn hồi nhằm dập tắt các va chạm khi đĩa ly hợp - lá côn bị ép mạnh vào mặt bánh đà. Phần ma sát của lá côn được chế tạo bằng vật liệu amiant chịu nhiệt, sợi các tông và đồng đỏ, giúp cho lá côn làm việc ổn định và hiệu quả.
Cấu tạo của lá côn (đĩa ly hợp) ô tô
Theo thiết kết, tuổi thọ của lá côn (đĩa ly hợp) thông thường kéo dài được từ 100.000 - 120.000Km. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp tuổi thọ lá côn giảm nhanh chóng, lá côn bị mòn nhanh hơn so với thiết kế. Vậy những nguyên nhân nào khiến lá côn nhanh bị mòn và cách khắc phục ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
1. Những nguyên nhân khiến lá côn (đĩa ly hợp) nhanh bị mòn
Như đã phân tích ở trên, nhiệm vụ của lá côn là ép chặt vào bánh đà để thực hiện quá trình truyền lực từ động cơ đến bánh xe chủ động, trong bối cảnh bánh đà quay với vận tốc cao, vì vậy bề mặt lá côn luôn phải chịu lực ma sát rất lớn. Sẽ không có gì để nói nếu như bề mặt ma sát của lá côn bị mòn theo đúng tiêu chuẩn thiết kế của nhà sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế lá côn có thể bị mòn nhanh hơn do những nguyên nhân chủ yếu như:
- Sử dụng liên tục bộ ly hợp. Việc phải thường xuyên lái xe trong điều kiện đường phố đông đúc và phải nhấn liên tục bàn đạp chân côn để thực hiện quá trình chuyển số cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thời gian sử dụng của lá côn giảm đi nhanh chóng (do lá côn thường xuyên phải thực hiện việc ép vào bánh đà trong điều kiện bánh đà đang quay với tốc độ cao khiến cho bộ phận ma sát của lá côn bị mài mòn nhanh chóng).
- Do các cần đẩy, kéo trong bộ ly hợp bị kẹt hoặc bị cong. Việc các cần đẩy trong bộ ly hợp bị kẹt hoặc bị cong cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lá côn hay đĩa ly hợp bị mòn đi nhanh chóng. Bởi vì khi các cần đẩy của bộ ly hợp bị kẹt sẽ làm cho quá trình đóng - mở ly hợp không được thực hiện dứt khoát, triệt để, dẫn đến việc bề mặt ma sát của đĩa ly hợp bị chà sát vào bánh đà trong thời gian dài khiến cho bề mặt của lá côn bị nóng lên và bị mài mòn nhanh chóng, khiến cho tuổi thọ của lá côn giảm đi nghiêm trọng. Do đó, trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng cần kiểm tra kỹ các cần của bộ ly hợp để kịp thời phát hiện hiện tượng cong, kẹt và khắc phục hoặc thay thế.
- Do bánh đà bị nứt hay cong, quằn. Trong cơ cấu truyền động của xe, bánh đà có nhiệm vụ tích lũy năng lượng cho động cơ và truyền động khởi động cho động cơ, đồng thời bề mặt bánh đà thực hiện chức năng truyền công suất từ động cơ đến các bánh xe thông qua bộ truyền động. Khi bánh đà hấp thụ quá nhiều nhiệt độ sẽ làm cho bề mặt bánh đà bị biến cứng, gây nên những vết nứt hay hiện tượng cong, quằn, những vết nứt trên bánh đà có thể là nguyên nhân khiến cho lá côn mòn đi nhanh chóng.
Bánh đà bị nứt, cong, quằn cũng khiến lá côn nhanh bị mòn
Vì vậy, cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để phát hiện những chỗ bị quá nhiệt, những vết nứt hoặc hiện tượng cong, quằn trên bề mặt bánh đà. Việc kiểm tra có thể thực hiện bằng thước thẳng hay panme và sử dụng đồng hồ đo, nếu phát hiện hiện tượng cong hoặc quằn thì cần gia công lại hoặc thay mới. Nếu phát hiện các vòng răng trên bánh đà bị mòn hoặc gãy thì cần thay thế bằng các vòng răng khác.
- Do các lò xo bị gãy hoặc bị yếu. Về nguyên tắc, các lò xo ép phải có độ đàn hồi tốt, mặt đầu của lò xo phải vuông góc với đường tâm lò xo. Khi các lò xo có độ đàn hổi kém hoặc bị gãy sẽ làm cho quá trình đóng, ngắt ly hợp không được thực hiện triệt để và cũng là nguyên nhân khiến cho lá côn bị mòn đi nhanh chóng. Vì vậy, khi phát hiện thấy hiện tượng lò xo bị mòn, gãy hoặc độ đàn hồi không đảm bảo thì cần tiến hành thay mới.
- Lắp đặt sai khoảng hành trình của bàn đạp côn. Khoảng hành trình của bàn đạp côn tự do của bàn đạp ly hợp (chân côn). Việc lắp đặt sai khoảng hành trình tự do của bàn đạp chân côn được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lá côn bị mòn đi nhanh chóng. Khi khoảng hành trình của bàn đạp ly hợp xác định sai (thường là quá ngắn) sẽ làm cho lá côn bị mòn đi nhanh chóng. Do vậy, cần đảm bảo bàn đạp ly hợp (bàn đạp côn) có khoảng hành trình hợp lý (tốt nhất nên duy trì hành trình của bàn đạp ly hợp theo thiết kế của nhà sản xuất).
- Do thói quen đạp chân lên bàn đạp ly hợp trong khi lái xe. Về mặt nguyên lý hoạt động của bộ ly hợp ma sát: khi ta đạp côn đồng nghĩa với việc đang ngắt dần kết nối giữa động cơ và bánh xe chủ động. Nếu việc đạp côn diễn ra dứt khoát sẽ làm cho quá trình ngắt kết nối được diễn ra nhanh chóng, đồng nghĩa với việc các lá côn ít chịu sự mài mòn. Tuy nhiên, nếu quá trình ngắt ly hợp không được thực hiện dứt khoát, sẽ làm cho các má côn trượt ma sát lên nhau, khiến cho lá côn bị nóng lên và mòn đi rất nhanh. Do đó có thể xem thói quen đặt chân lên bàn đạp côn (rà côn) là thói quen tai hại, có thể giết chết lá côn một cách nhanh chóng.
Thường xuyên "rà côn" khiến lá côn nhanh bị mòn
Vì vậy để khắc phục hiện tượng lá côn bị mòn đi do việc sử dụng chân côn không đúng cách, cần rèn luyện thói quen:
Chỉ sử dụng chân côn khi thật sự cần thiết, đó là khi ta thực hiện các thao tác chuyển số, còn lại hãy để cho chân côn được phép nghỉ ngơi.
Đạp côn dứt khoát khi chuyển số để nhanh chóng ngắt kết nối truyền động giữa động cơ và bánh đà để hạn chế tối đa thời gian lá côn bị tác động của lực ma sát quay dẫn đến bị mài mòn.
- Do sử dụng loại lá côn không đảm bảo tiêu chuẩn. Như đã phân tích ở trên, do là bộ phận bị động trong cơ cấu của ly hợp, luôn phải làm việc trong điều kiện chịu tác động của lực ma sát rất lớn dẫn đến hiện tượng dễ bị sinh nhiệt và dễ bị mài mòn, do đó, bề mặt ma sát của lá côn hay đĩa ly hợp đòi hỏi phải được cấu tạo từ những vật liệu có khả năng chịu nhiệt, chịu ma sát cực lớn, thông thường bề mặt ma sat của đĩa ly hợp được cấu tạo từ hỗn hợp giữa animant chịu nhiệt với các sợi các tông và đồng đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế khi tiến hành sửa chữa - bảo dưỡng và thay thế lá côn, nếu sử dụng loại lá côn có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo về độ ma sát và độ bền tiêu chuẩn sẽ làm cho lá côn nhanh chóng bị mòn. Vì vậy khi thay thế lá côn cần sử dụng loại lá côn chính hãng, được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo về độ bền và đảm bảo sự an toàn trong quá trình vận hành xe.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phụ tùng và kỹ thuật ô tô, Phụ tùng ô tô Thiên Thanh là địa chỉ tin cậy, cung cấp các sản phẩm lá côn, bàn ép, bi T chính hãng, đảm bảo về chất lượng với giá thành hợp lý nhất. Khi có nhu cầu tư vấn và thay thế các loại phụ tùng ô tô, quý khách hàng có thể liên hệ theo số Hotline: 0984.049.298 hoặc truy cập Website: Thienthanhauto.com. Phụ tùng ô tô Thiên Thanh hân hạnh được phục vụ quý khách.